Những điều cơ bản về phao câu lục, kỹ thuật chọn phao câu lục hiệu quả
Phao câu là phụ kiện câu cá đặc biệt quan trọng trong câu cá, bởi vì nó sẽ giúp báo hiệu khi cá cắn câu. Không những các cần thủ câu tay cần đến phao, các cần thủ chuyên nghiệp câu cá dữ cũng sử dụng chúng.
Phao câu là phụ kiện câu cá đặc biệt quan trọng trong câu cá, bởi vì nó sẽ giúp báo hiệu khi cá cắn câu. Không những các cần thủ câu tay cần đến phao, các cần thủ chuyên nghiệp câu cá dữ cũng sử dụng chúng.
Khi câu, bạn dán mắt mình hàng tiếng đồng hồ vào chiếc phao lục. Bạn quan sát các động tĩnh của chiếc phao, phân tích động thái đó và cho phản ứng tức thì. Có bao thay đổi của chiếc phao: bềnh, lún, lắc, nháy, tụt, lỉm... Với mỗi sự thay đổi đó, bạn cần có phản ứng phù hợp. Vì thế chiếc phao chính là con mắt của bạn, hãy phát huy tối đa tác dụng của nó.
I. Những điều cơ bản về phao câu lục:
1/ Cấu tạo của phao:
Một chiếc phao có 4 phần chính: bầu phao, cần phao, mũ phao, chân phao, ngoài ra còn có bộ phận gắn chân phao.
- Bầu phao làm bằng các vật liệu có tỷ trọng nhỏ hơn nước như: xốp ép, gỗ li-e, gỗ gòn, gỗ balsa. Bầu phao lục có thể to hay nhỏ nhưng luôn có hình giọt nước.
+ Xốp được ép đúc và đựoc bọc phủ bằng lớp nhựa hoặc keo làm tăng độ bền vững. Loại này rất nhẹ, độ nổi cao. Không thích hợp lắm cho phao xa bờ bởi không bền vững do phao này chịu va đập nhiều.
+ Gỗ li-e: bản chất là thứ vỏ cây mọc nhiều ở miền nam nước Pháp và nước Ý, mọc hoang hoặc trồng để làm nút chai rượu vang. Vỏ cây được thu hoạch, gia công ép dính theo khuôn để định hình. Loại này tỷ trọng cao hơn xốp, bền hơn.
+Gỗ gòn: có ở miền Nam nước ta, nhẹ, bền, dễ dàng gia công tiện theo ý muốn bằng máy tiện gỗ.
+Gỗ balsa, loại gỗ lý tưởng để làm phao, rất nhẹ, bền, vân đẹp, phải nhập khẩu vào nước ta.
- Cần phao: thường làm bằng thanh sợi thuỷ tinh, bạn có thể dùng đốt 1 của cần tay có bán tại các cửa hàng đồ câu. Loại này bền, thẳng, tiết diện nhỏ. Cần phao điện cũng dùng vật liệu này làm lõi, dây đồng dẫn điện quấn quanh cần phao, phủ ngoài lớp keo bảo vệ hoặc gia cố quấn chỉ, phủ keo.
- Mũ phao thường được làm bằng xốp, có màu sắc nổi bật để dễ nhận biết, hình dạng của mũ phao tùy thuộc vào từng loại và từng cách câu (giới thiệu ở mục 2).
- Chân phao, với phao lục đầu cần, chân phao có cùng vật liệu như cần phao, chân phao được vuốt nhọn để lắp vào bộ phận gắn phao. Với phao lục xa bờ, chân phao làm bằng thanh kim loại tròn được bọc 1 lớp chì để đạt được trọng lượng phù hợp khi cân phao, chân phao có gắn khuyên để lắp vào bộ phận gắn phao chạy.
2/ Các loại phao:
Phao câu có rất nhiều loại, nhiều hình dạng được bán trên thị trường. Sẽ không có loại phao nào có thể gọi là dùng ở đâu cũng được. Để chọn phao câu cá thật sự hiệu quả, ngoài việc chọn phao sử dụng đúng hoàn cảnh thì chọn phao cần dựa trên điều kiện tự nhiên nơi đang câu như: độ sâu, dòng chảy, sức gió,… và loại cá muốn câu.
Có hai loại phao: phao ngày và phao đêm.
- Phao câu ngày
- Lục đầu cần:
+ Phao lục đầu cần có bầu phao bé vì chỉ cần 2 tác dụng: báo hiệu và chống sóng (khi cần). Vì câu đầu cần nên mũ phao cũng nhỏ, sát mũ phao, cần phao sơn vài vạch sơn phản quang cho dễ quan sát.
+ Loại này luôn đi với bộ phận gắn phao cố định. Nhưng trong câu nước sâu cần dùng với bộ phận gắn phao chạy.
+ Khi câu trong vạt bèo, bè muống, phao lục ngắn để linh hoạt khi đặt lưỡi vào các khoảng trống nhỏ giữa các lá bèo. Vì thế loại này có cần phao, chân phao ngắn; phao dài từ 8 - 12 cm, nên chọn loại gắn chân phao nhẹ, mềm.
+ Khi câu ở mặt nước trống, có sóng gió, bạn nên sử dụng loại phao chống sóng với cần phao mảnh, dài có khi tới 30cm, cả chiếc phao dài tới 40cm.
+ Mũ phao hình bầu dục nhỏ làm giảm độ cản gió. Thêm đó là bầu phao thon hơn và to hơn để có thể gắn thêm ít chì lá vào chân phao giúp phao ổn định tốt hơn trong sóng gió.
- Lục xa bờ:
+ Phao lục xa bờ có thêm tác dụng mà phao lục đầu cần không có: làm điểm tựa giúp cho lưỡi lên thẳng khi giật. Để đạt được, phao cần to và nặng. Người ta phải thêm rất nhiều chì vào chân phao. Câu càng xa, càng sâu thì phao càng to và nặng. Bầu phao rất to, đôi khi to hơn quả trứng vịt, đường kính tới 5 cm.
+ Một động tác rất quan trọng là bạn cần “cân phao” trước khi đi câu. Thông thường mỗi cỡ lục dùng thích hợp với một cỡ phao. Dùng một chai dầu ăn loại 5lít, cắt bỏ phận thu hẹp, đổ gần đầy nước, bạn thả phao vào và cân phao sao cho phao chìm gần hết bầu phao, cách chân của cần phao 1cm là được. Sau đó bạn gắn lưỡi lục vào chân phao rồi thả vào chai nước, nếu phao nổi thì bạn cần thêm chì, nếu chìm quá nhanh - bạn cần bỏ bớt chì ra.
+ Trọng lượng của phao còn giúp cho bạn ném lưỡi ra dễ dàng, thực chất bạn ném phao chứ không phải ném lưỡi.
+ Cũng nhờ trọng lượng phao dồn vào chân phao nên bản thân phao lục xa bờ chống sóng rất tốt.
+ Phao to và nặng giúp loại bỏ những va chạm của các chú cá nhi đồng, tránh gây nhiễu cho cần thủ.
+ Vì câu ở khoảng cách xa nên mũ phao to để dễ quan sát. Vì nhìn xa nên hay bị loá khi nhìn lâu. Tuỳ thời tiết mà bạn chọn màu mũ phao cho dễ nhìn: nắng chói dùng mũ phao màu đen, nắng nhẹ - loại màu đỏ cam, âm u dùng loại màu xanh nõn chuối.
+ Hình dạng của mũ phao cũng cần thích hợp cho cách câu này, chúng không thể dẹt như chiếc bánh rán (dây linh sẽ quấn vào cần phao khi ném); thường chúng có dạng hình giọt nước, đôi khi có dạng hình cầu.
+ Vì đặc tính câu xa bờ nên dây linh thường ngắn chỉ 40- 45cm vì nếu quá dài, khi ném phao, lưỡi lục nằm dưới sẽ rất nhũng nhẵng khó ném chuẩn. Chính vì thế phao lục xa bờ không quá dài thường chỉ 40cm, sao cho khi lắp phao, gắn lục, mũ phao cách lục 5cm.
+ Vì câu xa bờ nên bạn bắt buộc dùng phao chạy, tôi hay dùng khoá kinh xoay để gắn phao,
bạn lưu ý rằng, nếu vòng kim loại ôm lấy dây trục nên làm bằng sợi inox trơn, nhẵn. Sợi inox này nên to hơn dây trục giúp dây trục ít bị sờn hơn khi “chạy”.
+ Bạn cũng lưu ý rằng, cần chọn dây trục có kích cỡ hợp với trọng lượng của phao nếu bạn dùng cách ném lưỡi qua đầu. Nếu không trọng lượng của phao sẽ cắt đứt dây trục, bạn sẽ gặp tình huống: phao và lục bay xa, để lại sự bực dọc cho bạn.
+ Phần gắn với chân phao cần gia cố quấn bằng chỉ dù, nhỏ keo 502.
- Phao đêm:
- Có nhiều cách tạo thành phao đêm, đa số dùng loại chuyên dụng có lắp pin và bóng đèn. Nó bao gồm bầu lắp pin có thể tháo rời khỏi bầu phao. Loại này rất sáng, sáng lâu, có lần tôi để quên 3 ngày, phao vẫn sáng. Tiện dụng nhưng đắt tiền.
- Loại thứ 2 là sử dụng chính phao ngày, nhưng gắn thêm que ligne stick khi câu tối. Loại này ít được sử dụng hơn.
- Hiện nay, để tiết kiệm chi phí cũng như tăng tính tiện dụng khi đi câu, người ta đã chế tạo ra loại phao ngày đêm có hai ngọn, một ngọn câu đêm, một ngọn câu ngày.
II. Những tín hiệu từ phao khi câu lục :
Thực chất phao chính là con mắt thứ 3 của cần thủ. Trong đánh lục vai trò của phao càng quan trọng, bởi lẽ tất cả tín hiệu được phát ra chỉ trong thời khắc rất ngắn, nếu cần thủ không kịp xử lý thông tin, anh ta sẽ lỡ cơ hội.
-
Cách đặt phao
Có hai cách đặt phao khi câu mà cần thủ hay dùng : đánh lục phao mím và đánh lục phao cao.
Với mỗi hoàn cảnh cụ thể mà cần thủ sẽ sử dụng phương pháp nào.
- Phao mím : chỉ dùng trong câu xa bờ, cá khôn nhát lưỡi. Cần thủ sau khi ra lưỡi đúng ổ, phao nhô lên khoảng 2cm, thu cước từ từ cho đến khi nước ngập nửa mũ phao. Cách này giúp cho cần thủ có phản ứng nhanh hơn, ít bị động hơn ngay với cả những quả « lún » nhẹ nhất. Cách này chỉ hiệu quả với mặt nước phẳng hoặc sóng nhẹ.
- Phao cao : dùng trong cả câu đầu cần và câu xa bờ. Tuỳ theo mức độ sóng, loại cá định câu mà đặt phao cao hay thấp. Trung bình khoảng 2 - 3 cm, cá biệt câu trắm đen, tôi để cao hẳn 5 - 7 cm. Câu chép hoặc cá đã nhát lưỡi nên để phao thấp nhất có thể.
-
Các tín hiệu phao:
- Phao máy : Phao chìm xuống rất nhẹ, nhô trở lại một cách liên tục, với cường độ rất nhẹ.
Nếu phao máy nhiều lần, đó là do cá con vào phá vùng, bạn không nên căng thẳng mà hãy buông cần ngồi vãn cảnh. Đột nhiên hiện tượng này đột ngột biến mất, bạn hãy cần cần, sẵn sàng tư thế, vì cá to đã mò vào, cá con sợ chạy hết.
Nếu phao đang yên lặng, bỗng nhiên máy nhẹ một hai cái, bạn hãy thận trọng, có thể đó chính là chú chép hay chú trê đang rờ rẫm chiếc râu ăng ten. Đặc biệt lúc trước đó bạn thấy gần ổ thấy có tăm to nổi lên lảng vảng xung quanh.
- Phao lắc : Phao lắc lư tựa như quả lắc đồng hồ nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều.
Nếu bạn đánh trắm đen, thì hãy kéo nhẹ lưỡi vào 10cm. Bởi đó chính là khi cá bơi quạt nước làm cho phao đảo mạnh liên tục, kéo dài.
Nếu bạn đánh cá trắng, phao lắc nhẹ, rất mơ hồ, đó rất có thể là chú mè đang hớp thính, nếu thính của bạn hơi chua tanh, cám bổi nhiều, bạn biết hồ có mè thì không lý do gì khiến bạn chần chừ giật thật lực. Bạn cần giật mạnh vì mè ăn khá cao.
- Phao lún : Phao chìm xuống nhẹ và trở về vị trí cũ ngay. Nếu chìm xuống nhanh, trở lên nhanh thì đó chính do cá bé chạm vào linh. Bạn không nên giật mà « động » ổ. Nếu chìm xuống nhẹ nhưng chậm thì đó là cá to, nhưng tỳ không chính diện hoặc cá nhát. Đừng chần chừ bạn nhé.
- Phao tụt: Phao từ từ chìm nghỉm đôi khi không nhìn thấy phao đâu. Đó chính là cá to, hoặc hiện tượng tỳ linh chính diện. Trắm đen hay có hiện tượng này. Hãy giật ngay lập tức. Cũng đôi khi chú cá bé thôi, nhưng húc đầu vào linh, phao cũng chìm nghỉm nhưng rất nhanh, và trồi lên cũng nhanh.
Có lần đi săn hàng (câu xa bờ), phao chìm từ từ rất đẹp, chỉm nghỉm mặc dù để phao rất cao. Dồn hết sức bình sinh giật, một chú rô phi bị bắn tung ngay trước mũi cần, nguyên nhân do cá húc phải dây trục kéo dây trục đi.
- Phao bềnh : Phao bất chợt nổi phềnh lên. Nếu bạn để yên, có thể phao tụt xuống về vị trí cũ,hoặc nhô lên hụp xuống 1 lần nữa, đôi khi khi đứng yên trở lại, độ cao của phao bị thay đổi. Điều đó có nghĩa là cá vào ăn đã bị mắc lưỡi vào mặt. Con cá khôn ngoan nhô lên để gỡ lưỡi.
Bạn phải làm gì ? Hãy giật nhẹ (nhấc cần trong câu đầu cần), giật mạnh vừa phải khi câu xa bờ. Nếu bạn giật mạnh, rất có thể lưỡi câu xé rách thịt cá bởi vì lúc đó, lưỡi ở tư thế nghiêng, không ngửa, không cắm vuông góc với da thịt cá. Bạn giật nhẹ hơn bình thường để lưỡi cắm sâu thêm chút ít, con cá vùng chạy vì đau và sợ, lưỡi sẽ bật ra vuông góc với da thịt cá và lún sâu dần trong quá trình dòng hãm cá. Tôi thường giật bồi nhẹ phát nữa sau khi cá vùng chạy 1 đoạn.
Thời điểm giật : tốt nhất nên giật khi phao đang trong quá trình « đi lên », điều này có nghĩa lưỡi vẫn đang găm vào đầu cá, cá vẫn đang ngóc đầu lên nhằm gỡ lưỡi. Nhiều cần thủ cho rằng nên giật khi phao bắt đầu đi xuống. Đó thật sai lầm.
- Phao tụt xuống từ từ nhưng không trồi lên : Đó là hiện tượng sụt thính do lưỡi nằm trên khối thính, thính tan ra hoặc bị trôi khiến cho lưỡi bị sụt xuống. Bạn đừng nhầm tưởng đó do cá tỳ mà lẩm bẩm « đẹp thế mà không dính ».
* Giật muộn: nên hay không ?
Khi các hiện tượng đáng giật xảy ra mà bạn không kịp giật, bạn có nên có tình giật hay không? Theo tôi, bạn nên giật muộn với hiện tượng bềnh phao, nhưng đừng quá muộn, có nghĩa là khi phao chưa xuống hết. Có lý do: lưỡi vừa rời khỏi đầu cá, đang chìm xuống, nó không cách quá xa thân mình con cá, bạn vẫn còn cơ may để dính ; lý do thứ 2 : con cá đã bị đau do mắc vào lưỡi của bạn, nếu đó là con cá khôn « từng trải », nó sẽ không bao giờ quay lại ổ thính của bạn, vậy thì không có lý do gì mà không giật dù cơ may rất ít, nhưng ít còn hơn không còn.
Còn với các hiện tượng khác, bạn không nên giật, phần lớn con cá sẽ quay lại ổ thính của bạn. Nếu bạn cố giật, xác suất dính rất ít, hơn thế bạn đã kích hoạt tính cảnh giác của nó. Nó sẽ nói với bạn rằng : « hãy đợi đấy ».
Đó là những hiện tượng chúng ta thường gặp. Trong thực tế khi đi câu, luôn có những điều khó lý giải được.Có lẽ thế mới gọi là « đi câu ». Đổ vấy vá cho có vẻ bí hiểm thế thôi chứ thực ra mọi cái đều có nguyên nhân của nó.
Tham khảo:
>> Bí quyết về mồi và thủ thuật câu cá chép hiệu quả
>>Cách chọn một cần câu cá tốt, cách chọn cần câu sát cá
>>Hướng dẫn kỹ thuật câu lăng xê
>> Hướng dẫn cách sử dụng và bảo dưỡng máy câu cá
Mọi chi tiết tư vấn quý khách liên hệ FB, ZALO, Mr Hà: 0977 251 449